Lâm Đồng – Áp dụng VietGAP để nâng cao thu nhập

Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.

 

Ứng dụng Vietgap trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng
Ứng dụng Vietgap trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng

Trước đây, khi trồng cà chua và cải dưa, cải thảo theo cách cũ, ông Phạm Xuân Khoa – xã Bình Thạnh – Đức Trọng thường quen bón nhiều đạm cho rau, vừa tốn kém vừa không đảm bảo an toàn lại còn ô nhiễm môi trường. Từ khi, chuyển sang trồng rau theo VietGAP, ông thấy lượng đạm bón cho rau được giảm tối đa, rau ngọt hơn và không độc hại nữa. Đặc biệt, chăm sóc rau theo quy trình VietGAP giúp giảm được 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, như vậy, trừ hết chi phí, với 4 sào cà chua bi và 7 sào rau này, mỗi năm, trung bình ông Khoa thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm, cao hơn nhiều so với khi chưa áp dụng quy trình VietGAP. Ông Phạm Xuân Khoa vui vẻ nói: “Lúc đầu, khi áp dụng quy trình VietGAP cũng gặp khá nhiều khó khăn do đã quen với phương pháp canh tác thủ công và kinh nghiệm đã lâu, nhưng theo thời gian, nhận thấy VietGAP mang lại kết quả khả quan, ít tốn công, giảm chi phí đâu tư nhưng năng suất lại cao hơn. Sau 3 năm áp dụng VietGAP đến nay, gia đình đã tiết kiệm được một khoảng chi phí khá lớnmà năng suất hiệu quả lại tăng cao”.Trên những cánh đồng rau của Đức Trọng hôm nay ta dễ dàng nhận thấy những vườn bắp cải, xà lách, pố xôi xanh mướt, những luống ớt ngọt trĩu quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trồng rau màu, rau sạch theo quy trình VietGAP, vừa đa dạng nông sản an toàn cung ứng cho thị trường, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ông Lê Văn Thu – xã Tân Hội, huyện Đức Trọng cho hay, ban đầu cũng chưa biết cách ươm giống, trồng, chăm sóc ớt ngọt sao cho đúng quy trình VietGAP. Sau khi tìm đọc thêm tài liệu, sách, báo, tham gia các lớp tập huấn cũng như được sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp địa phương, đến nay, ông Thu đã thành thạo từng khâu kỹ thuật nên năng suất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đều tăng. Ông Thu cho biết, từ khi trồng đến tháng thứ 3, ớt ngọt cho thu hoạch với năng suất lứa đầu đạt khoảng 800kg/1000m2. Nếu chăm sóc tốt, thường xuyên tưới nước thì với diện tích ớt ngọt này có thể cho thu hoạch quanh năm với sản lượng đạt từ 1,8 – 2 tấn quả. Ông Lê Văn Thu cho biết: “Từ khi chuyển từ trồng cà phê sang trồng rau màu theo quy trình VietGAP thì thời gian cho thu nhập ngắn hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích, chuyển từ trồng cà phê sang trồng rau màu để nâng cao thu nhập”.

Có thể nói, VietGAP là phương thức canh tác hiện đại, đảm bảo an toàn cho người trồng cũng như sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, điều mà người trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trăn trở đó là người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là rau an toàn, nên giá cả đôi khi chưa thực sự tương xứng với công sức mà nông dân bỏ ra. Nhiều nguồn rau không rõ xuất xứ nguồn gốc cũng “đội lốt” rau sạch của địa phương nên ảnh hưởng đến uy tín chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn trên thị trường để nông dân yên tâm mở rộng diện tích trồng rau, tăng thu nhập. Đồng thời đẩy mạnh liên kết “4 nhà” để sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm, cung cấp cho cửa hàng, đại lý và chuỗi siêu thị rau sạch, đảm bảo giá cả ổn định, vừa đem lại lợi nhuận cao cho người sản xuất, vừa cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh.

DUY NGUYỄN

Trả lời

This page is geo-coded DMCA.com Protection StatusWeb liên kết: Shop cây online Plant.vn ||| Shop giá thể đất trồng online ||| Shop Thiết bị tưới nông nghiệp hàng đầu