Chuyện nông dân ở Huyện Chư Sê coi chiếc điện thoại là vật bất ly thân không có gì là lạ. Đối với họ điện thoại là phương tiện để kinh doanh. Họ có thể gọi điện tham khảo giá cả mua bán trong ngày của các doanh nghiệp, tham khảo tình hình dịch bệnh của cây tiêu… và có thể tự định đoạt giá bán.
Ở Chư Sê, hầu hết nhà nào cũng khang trang, có nhà còn mua được cả xe hơi. Thu nhập của nông dân nơi đây sau mỗi vụ thu hoạch tiêu có khi được tính bằng tiền tỉ. Chính vì vậy, họ coi việc trồng và bán tiêu là một nghề kinh doanh và lên chiến lược rất cẩn thận. Trong lúc nông dân trồng điều, cà phê, cao su, lúa… luôn hoang mang lo sợ khi giá lên hay xuống thì người trồng tiêu rất bình tĩnh. Họ biết hàng của mình có thể được bán ra hay giữ lại, chứ không nhất thiết phải bán giá thấp.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Intimex TP.HCM, cho biết có thời điểm nước ngoài ngừng nhập khẩu một tháng nhưng nông dân vẫn đồng lòng không bán tiêu ra. Chính vì thế, họ vẫn giữ được giá, thậm chí bán giá cao hơn. 7 năm nay, đều đặn ngày nào nông dân cũng gọi điện đến tổng đài thông tin tự động để tham khảo giá cả rồi gọi điện cho nhau bàn phương án bán hay giữ.
Theo ông Nam, do nông dân biết điều tiết bán ra hay tạm trữ nên quy luật giá cả lên xuống theo chu kỳ của hồ tiêu đã bị phá vỡ. Không chỉ có nông dân trồng tiêu Gia Lai mà nhiều nông dân ở các tỉnh khác cũng áp dụng phương thức này. 6 năm trở lại đây, giá tiêu của Việt Nam luôn giữ được mức giá ổn định, thậm chí còn tăng cao liên tục. Nếu năm 2007 giá chỉ 30.000 đồng/kg thì năm 2008 đã lên đến 50.000 đồng/kg. Hiện tại, giá luôn dao động trong khoảng 120.000 – 130.000 đồng/kg.
Theo ông Nam, giá tiêu ổn định một phần là do sản lượng xuất khẩu tiêu của Việt Nam chiếm đến 50% sản lượng tiêu giao dịch trên thế giới và phần còn lại do sự đồng thuận trong kinh doanh của nông dân.
Chính vì sự ổn định của tiêu mà gần đây nhiều hộ nông dân đã phá bỏ những cây khác như điều chuyển sang trồng tiêu. Nhiều nơi không có điều kiện thích hợp trồng tiêu như Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng… cũng đang ồ ạt trồng.
Theo thông tin chưa chính thức từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá trị xuất khẩu hồ tiêu cao gấp 4 lần cao su, 2,6 lần cà phê và 3,8 lần điều. Chính điều này đã khiến diện tích trồng tiêu tăng nhanh. Theo Hiệp hội, hiện nay diện tích trồng tiêu đã lên đến 60.000 ha, vượt 17% quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2020. Điều đáng lo ngại là diện tích trồng tiêu đang tăng nhanh trên nhiều nước. Trong khi đó, năng suất tiêu Việt Nam lại vượt xa các nước.
Hiện nay, Ấn Độ có diện tích tiêu lớn nhất thế giới với 200.000 ha năng suất 3 tạ/ha, Sri Lanka 5 tạ/ha, Indonesia, Malaysia, Brazil 1 tấn/ha, còn Việt Nam cao nhất đạt 2 tấn/ha.
Một chuyên gia của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới cho biết năm 2015 giá tiêu sẽ giảm vì nguồn cung tăng cao. Diện tích ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến thế trận giá đang ổn định của ngành tiêu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích những vùng điều kiện tự nhiên không phù hợp. Nông dân nên chuyển từ số lượng sang chất lượng, bằng cách nâng cao việc xuất khẩu tiêu trắng, tiêu bột nhằm tăng giá trị sản phẩm.
Trở lại câu chuyện của người nông dân Chư Sê. Sau khi thành công với chiến lược găm hàng giữ giá, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã thành lập Trung tâm kết nối nguyên liệu hồ tiêu nhằm giảm bớt khâu trung gian. Trung tâm này sẽ giúp doanh nghiệp mua bán trực tiếp với nông dân. Nếu thành công, mô hình này sẽ giúp nông dân bán được tiêu với giá cao và doanh nghiệp cũng mua được hàng có chất lượng