Thị trường cà phê: Một tháng không yên ả

Thị trường cà phê đang trải qua những ngày hè không yên ả. Giá co giật thất thường để rồi rơi tõm xuống sâu trong những ngày cuối tháng. Nhu cầu hàng thực đi thẳng đến các hãng rang xay không nhiều. Thị trường đang âm ỉ những đợt giông bão trong những ngày tới chăng?

Giá chạy theo tin đồn sản lượng

Giá cà phê có một tháng đầy gập ghềnh khi lên cao, lúc xuống thấp khó ai đoán được. Nhiều người theo dõi kỹ vẫn cho rằng họ có cảm giác như thị trường cà phê những ngày qua hầu như vận động theo tin đồn. Chỉ trong vòng nửa tháng, hai ước lượng của hai đơn vị dự báo sản lượng cho hai nước sản xuất cà phê đứng đầu thế giới đã làm thị trường nhiều phen đảo điên.

Mặt khác, trong trào lưu chung, có hiện tượng các quỹ đầu cơ rút vốn khỏi các sàn kỳ hạn hàng hóa. Trên 36 sàn giao dịch của thị trường tài chính thế giới thì có đến 23 sàn có lợi suất âm trong tháng 5-2014, trong đó 3 sàn cà phê nằm trong nhóm 5 sàn có lợi suất giảm mạnh nhất: sàn arabica New York giảm 12,6%, sàn cà phê Brazil giảm 13,5% và robusta London giảm 10,1% (xin xem biểu đồ 1 – ba sàn cà phê được xếp đầu tiên từ trái sang phải).

Giữa tháng 5-2014, cơ quan nghiên cứu sản lượng thuộc bộ nông nghiệp Brazil (Conab) tin rằng sản lượng niên vụ 2014/15 của nước sản xuất arabica lớn nhất thế giới Brazil chỉ đạt chừng 44,6 triệu bao (60 kg x bao), giảm 9,3% so với vụ trước do hạn hán kéo dài trong mấy tháng đầu năm nay. Vừa mới đây, cấp tùy viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo niên vụ tới Việt Nam, nước sản xuất robusta số một thế giới, có thể đạt đến 29,2 triệu bao hay 1,75 triệu tấn và ước xuất khẩu trong vụ sẽ đạt đến 1,68 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi và bắt đầu thu hoạch vụ bói của cà phê trồng mới và tái canh. Nếu đúng vậy, đây sẽ là niên vụ có sản lượng và lượng xuất khẩu cao kỷ lục.

Nghiên cứu của Conab đã giúp giá vực lên lại, công trình của USDA làm thị trường cà phê khuỵu xuống đến nay chưa lấy lại sức.

Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta trong tháng (tác giả cập nhật)

Thật vậy, giá kỳ hạn robusta London giữa tháng tưởng đã quay đầu tăng lại, đóng cửa ngày 12-5 đạt mức 2.130 đô la Mỹ/tấn. Đến ngày 28-5, giá kỳ hạn rớt chỉ còn quanh mức 1.905 đô la/tấn vào ngày 28-5. Đóng cửa hôm qua thứ Sáu cũng là ngày cuối tháng 5-2014, giá sàn robusta vẫn ì ạch chốt mức 1.937 đô la/tấn. Tính trên cơ sở đóng cửa, qua một tháng, giá niêm yết sàn robusta London mất hết 236 đô la/tấn so với ngày đầu tháng (xin xem biểu đồ 2).

Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa dao động mạnh không kém, từ đỉnh cao 41,5 triệu đồng/tấn vào dịp giữa tháng thì chỉ còn 37 triệu đồng/tấn mới mấy ngày gần đây. Sáng hôm nay thứ Bảy 31-5, giá tại các tỉnh Tây Nguyên quanh mức 37,5-38 triệu đồng/tấn.

Phải nói rằng thị trường chỉ nhộn nhịp khi giá trên 40 triệu đồng/tấn. Dưới mức ấy, càng sâu, thị trường càng yên ắng.

Chính nhờ vậy, giá xuất khẩu robusta loại 2,5% đen bể tính trên cơ sở chênh lệch giữa giá London với giá FOB (giao hàng qua lan can tàu tại cảng đi) tăng vững, từ trừ 85 đô la/tấn nay còn chừng trừ 30-35 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn.

Xuất khẩu mạnh, cà phê đi đâu?

Biểu đồ 3: Tồn kho thuần robusta Ice Liffe tăng mạnh (nguồn: Newedge)

Với mức giá chào xuất khẩu hiện nay, -30 đô la/tấn FOB dưới giá London, người mua án binh bất động vì cho rằng quá mắc. Trong khi đó, bên bán chưa chắc dám bán vì khó mua được hàng giá thấp.

Dù vậy, xuất khẩu cà phê nước ta trong tháng 5-2014 theo Tổng cục Thống kê (TCTK) ước vẫn đạt 170.000 tấn, giảm 19,4% so với tháng trước là 210.750 tấn, nhưng tính từ đầu vụ đạt 1,26 triệu tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ cách nay một năm.

Số liệu mới nhất vào ngày 30-5 do sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe công bố rằng trong tháng 5-2014, có 38.300 tấn, trong đó hàng của nước ta chiếm tuyệt đại đa số là 34.820 tấn, đã được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng. “Con số này chắc chắn không dừng tại đây mà sẽ tăng mạnh trong các tháng tới”, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM dự đoán. Hiện còn chừng vài ba trăm ngàn tấn cà phê đang sẵn sàng đến các kho thuộc sàn kỳ hạn chủ yếu tại châu Âu.

Chính nhờ vậy, lượng tồn kho sẵn sàng “đấu giá” tính đến ngày 26-5 lên 50.760 tấn, đây là tháng có lượng tồn kho thuần robusta tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2013 (xin xem biểu đồ 3).

Có nên đưa hàng gởi kho?

Nửa cuối tháng 5-2014, giá cà phê nội địa xuống mạnh. Nhiều người mua vào ở mức cao trên 40 triệu đồng/tấn trước đây, nay không thể bán lỗ vì giá chỉ còn chừng 37-38 triệu đồng/tấn. Để có tiền xoay xở, họ thường đưa hàng gởi vào kho của người mua, chủ yếu là khách ngoại, nhằm nhận một ít tiền tạm ứng để mong mua hàng tiếp rồi lại giao vào kho tiếp.

Theo một chuyên gia ngành hàng đó là một chọn lựa “lợi bất cập hại” vì khi gởi cà phê vào kho, người gởi hàng không nhận đủ tiền mà chỉ tạm ứng. “Cách này không khác gì tự nguyện tạo điều kiện cho người mua chiếm dụng vốn”, ông nói.

Ngoài ra, khi thấy lượng hàng gởi vào kho nhiều nhưng do giá thấp chưa chốt được, người mua biết thế nào lượng hàng ấy cũng phải được bán ra. Nên, họ sẽ tìm cách bán trước và bán mạnh trên sàn kỳ hạn, ép giá xuống sâu, tạo tâm lý hoảng loạn và đẩy người gởi hàng vào thế phải bán giá rẻ. Sau khi mua được giá thấp, họ liền đẩy mạnh giá lên để bán lấy lời. Giới cà phê gọi hiện tượng này là “sau cơn mưa trời lại sáng” là vậy.

“Kinh nghiệm cho thấy giá càng xuống, hàng gởi vào kho càng nhiều, kết quả thường là người nhận hàng vào kho vừa có hàng để xoay, vừa chiếm dụng được vốn, vừa có cơ hội mua giá rẻ; còn người gởi hàng có khi chỉ lên nhận bao không đem về vì cụt hay mất vốn, “chì mất mà chài cũng mất”.

Như vậy, ý chuyên gia này cho rằng được thì bán hay tìm một cách khác xoay xở chứ đừng đưa hàng cà phê gởi kho chờ giá, thất lợi và và rủi ro hoàn toàn nằm bên phía người bán.

Trả lời

This page is geo-coded DMCA.com Protection StatusWeb liên kết: Shop cây online Plant.vn ||| Shop giá thể đất trồng online ||| Shop Thiết bị tưới nông nghiệp hàng đầu