Đã đến lúc nông dân phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại. Để nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất cho các ruộng mía có quy mô nhỏ, điều đầu tiên người nông dân cần tập trung đó là tưới nước hiệu quả cho mía.
Chán ngán vì lợi nhuận thấp
Là một nông dân tiêu biểu của CTCP Đường Ninh Hoà, thế nhưng ông Huỳnh Văn Giáo cũng như nhiều nông dân chăm chỉ và giỏi giang khác đang “bất lực” nhìn cơ hội với trồng mía hẹp dần. Đến thời điểm này, dù bắt đầu bước vào mùa vụ nhưng tình hình giá cả như hiện nay thì phần lớn nông dân trồng mía đều muốn… chào thua.
Cập nhật: Kỹ thuật tưới mía tự động
Thực tế, lỗ lãi là chuyện khó tránh khỏi trong sản xuất nông nghiệp, nhưng đây không phải là năm đầu tiên nông dân thua lỗ từ cây mía.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 năm trở lại đây cứ mỗi năm người trồng mía lại giảm khoảng 30-40% lợi nhuận, mặc dù diện tích, năng suất, sản lượng mía năm sau luôn cao hơn năm trước. Ví dụ, năm 2013 diện tích mía đạt 9.500 ha, sản lượng ở mức 997.000 tấn, nhưng thu nhập của người nông dân lại thấp nhất từ trước đến nay, bình quân mỗi hộ lẻ bị lỗ từ 5 -10 triệu đồng/ha.
Từng là cây trồng chủ lực sau cây lúa, nhưng giờ đây không ít nông dân tỏ ra thất vọng khi nhắc đến cây mía, bởi điệp khúc thua lỗ cứ tái diễn nhiều năm liền.
Không chỉ nông dân, cả những DN lớn có vùng nguyên liệu riêng cũng đang chịu chung số phận. Đơn cử trường hợp của CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), trong báo cáo kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm 2014, các chỉ số lợi nhuận của DN này không khả quan, chủ yếu do mía sụt giảm về sản lượng và giá bán. Cộng thêm sự bất cân đối cung – cầu về đường vẫn còn và lượng đường tồn kho của LSS ở mức cao (tăng 20% so với cùng kỳ) đang đẩy DN vào thế khó.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mía đường nói rằng, về chất lượng cây mía thì hàng năm đều tăng, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt là các giống mía chín sớm luôn tăng hàng năm. Đơn cử, vụ mía năm 2013/2014 hàm lượng đường tăng hơn 0,5 CCS, nhưng lợi nhuận lại rất thấp.
Các yếu tố làm giảm năng suất, tăng chi phí, giảm thu nhập của người trồng mía, theo ông Lộc, xuất phát từ các yếu tố như: giống mía, trồng mía, chăm sóc – phân bón, tưới mía, thu hoạch – vận chuyển và máy kéo – công cụ canh tác.
“Nếu không cải thiện những vấn đề trên khiến tình trạng này kéo dài thì khả năng bà con sẽ bỏ đất trồng mía là rất lớn. Khi điều đó xảy ra sẽ dẫn đến chuyện thiếu vùng nguyên liệu. Sự thua lỗ lúc này không chỉ có nông dân mà chính những DN sản xuất cũng không thoát khỏi khó khăn, vì không phải DN nào cũng chủ động được vùng nguyên liệu”, ông Lộc nói.
Giảm chi phí bằng mọi cách
Để tăng lợi nhuận ngành mía đường, theo một số chuyên gia khi chưa cải thiện được vấn đề về giá thì nên đầu tư và đầu tư mạnh hơn nữa vào công tác tưới tiêu nước, chăm sóc mía, sử dụng phân bón hợp lý và đầu tư cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hoạch. Năng suất tăng, chi phí giảm ngay lập tức bù đắp được thiệt hại về giá.
Trong quá trình này, các nhà máy đường nên hỗ trợ người trồng mía về vốn vay ưu đãi, bao tiêu ổn định với mức giá tương đối cố định trong 3 năm liên tiếp, đưa các loại giống mới vào khảo nghiệm… để người nông dân yên tâm đầu tư, chăm sóc mía và nâng năng suất lên.
Xét trong bối cảnh không có chính sách hỗ trợ cũng như giá mía ở mức thấp như hiện nay, nhiều DN trong nước đã tham gia cùng nông dân bằng cách đưa ra những giải pháp, mô hình thực tiễn trong canh tác, thu hoạch mía nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng thu nhập cho nông dân. Lãnh đạo Thành Thành Công (TTC) cho biết, đã đến lúc nông dân phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.
Để nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất cho các ruộng mía có quy mô nhỏ, điều đầu tiên người nông dân cần tập trung đó là tưới nước hiệu quả cho mía.
Phát biểu trong một hội thảo mới đây, ông Hyatt Thomas James, Giám đốc dự án toàn cầu phụ trách về tưới phun của Úc đã đưa ra ví dụ về mô hình tưới tự hành hiệu quả nhằm giảm chi phí sản xuất mía tại Queesland. Trên thực tế, mô hình này cũng đang được áp dụng thành công tại các nước công nghiệp mía đường như Brazil, Mỹ, Úc…
Tại Việt Nam, ông Hyatt cho rằng mỗi vùng địa lý là khác nhau, nên người nông dân Việt Nam cần chọn phương pháp tưới phù hợp nhưng nhất thiết phải cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác.
Chẳng hạn, CTCP Đường Nước Trong Tây Ninh có diện tích 2.150 ha thuộc đất xám bạc màu. Trong điều kiện không có nước tưới, năng suất mía bình quân hàng năm chỉ từ 37 – 45 tấn/ha. Để nâng cao năng suất và chất lượng mía, công ty đưa hệ thống tưới mía bằng motor điện, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật thâm canh: giống, chăm sóc bằng cơ giới, phân tích đất để xây dựng công thức phân phù hợp… Hiện nay, năng suất mía bình quân trong nông nghiệp đã tăng lên 85 tấn/ha, CCS > 9…
Ngược lại, đặc thù vùng nguyên liệu mía Suối Mơ ở Ninh Hòa có nguồn nước tự nhiên có thể đủ nước tưới cho khoảng trên 1.000 ha thì người nông dân tại đây sẽ đầu tư hệ thống tưới tự chảy. Song song đó, vấn đề phòng trừ sâu bệnh và mô hình lưu gốc (là mía tái sinh từ bộ gốc của mía vụ trước) cũng rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nông sản sau này…
Nhìn chung, đối với người trồng mía hay DN, đây là nền tảng cho một chiến lược phát triển bền vững trước bối cảnh thị trường còn bộn bề khó khăn và sự cạnh tranh cây trồng ngày càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.
Quỳnh Chi
Theo Thời báo ngân hàng