TPHCM đang có những chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để chuyển giao các mô hình ứng dụng hiệu quả cho hơn 1,2 triệu nông dân vùng ven. Việc làm này đang giúp quá trình xây dựng NTM tại TPHCM tạo ra bước đột phá, nhiều xã đang chuyển mình “thay da đổi thịt”…
Từ năm 2009, TP HCM bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM (giai đoạn 2010 -2020) nhằm nâng cao mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Bộ mặt NTM tại 6 xã điểm đến nay đang khẳng định được thế mạnh của mình từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao về trồng hoa lan, nuôi bò sữa, sản xuất rau sạch…
Đặc biệt, tại các xã NTM hiện cũng đang được chuyển giao rộng rãi các mô hình NNCNC, theo hướng nông nghiệp đô thị nhằm nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân. Cụ thể, nhằm chuyển giao các tiến bộ, KHKT cho nông dân ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, TP HCM đã sớm đầu tư xây dựng Khu NNCNC đang đi vào hoạt động chuyển giao hiệu quả. Có nhiều lĩnh vực nghiên cứu của Khu NNCNC như công nghệ sinh học nông nghiệp; canh tác không sử dụng đất, sản xuất giống, bảo quản chế biến, hoa cây cảnh, nấm ăn và nấm dược liệu…
Ngoài ra, Khu NNCNC còn triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ thông qua hai đơn vị trực thuộc là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhân giống hoa, cây kiểng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; sản xuất và nhân giống hoa lan cắt cành ứng dụng công nghệ cao; trồng rau sạch (rau ăn lá, rau ăn quả) trong nhà màng trên giá thể, tưới và bón phân tự động…đã được nghiên cứu thành công và sẵn sàng chuyển giao cho người dân ở các địa phương.
Thực tế, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) là xã đầu tiên của TP Hồ Chí Minh được BCĐ xây dựng NTM Trung ương chọn làm mô hình thí điểm xây dựng NTM. Sau 4 năm thực hiện và được chuyển giao NNCNC, đến nay nhiều hộ nông dân đã phát huy lợi thế vùng ven ứng dụng hiệu quả nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng rau, nhất là trồng hoa lan; từ nuôi heo sang nuôi bò, nuôi trăn, cá sấu… Đơn cử như mô hình hoa lan của ông Nguyễn Văn Xuân, ấp Trung là một điển hình. Với diện tích vườn lan 3.000 m2, vốn đầu tư 1,1 tỉ đồng, từ năm 2009 đến nay, mỗi năm ông Xuân có thu nhập từ bán hoa lan lên đến 700 triệu đồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Ngà, ở ấp Trung, trồng 3.000 m2 lan Mokara cắt cành, thu nhập mỗi tuần 9 triệu đồng… Hiện nay, bình quân thu nhập của một người dân Tân Thông Hội đạt 28,66 triệu đồng/năm, cao gấp 1,54 lần so với trước khi triển khai đề án. Thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp, Tân Thông Hội đến nay không còn hộ nghèo, không còn nhà tranh tre tạm bợ, bộ mặt nông thôn ngoại thành nay đã thay đổi rõ rệt.
TS.Nguyễn Hải An, GĐ Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC TP HCM cho biết: Hiện mỗi năm Trung tâm mở rất nhiều khóa tập huấn đào tạo giúp cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn ngay khi chập chững thành lập. Trung tâm phối hợp các tổ chức tài chính, tổ chức khoa học – công nghệ, đội ngũ cán bộ KHKT, nhà quản lý có khả năng và kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, luật pháp, kế toán, công nghệ… để giúp các DN hoàn thiện sản phẩm, giảm chi phí hoạt động, dễ dàng tiếp cận các nguồn đầu tư, mạng lưới các đối tác, mở rộng hoạt động, thị trường và phát triển kinh doanh.
Trong năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC (BQL Khu NNCNC) cũng đã chuyển giao được khoảng 2 triệu cây lan hồ điệp, 300.000 cây lan Dendrobium và 201.000 cây ớt giống. Nhiều mô hình trình diễn và chuyển giao ứng dụng phương thức canh tác mới cho năng suất tăng gấp 2 lần so với cách làm cũ. Công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel được áp dụng phổ biến giúp tiết kiệm 60% lượng nước và có thể tự động hóa. Những kết quả này đã được chuyển giao tới người dân ở nhiều địa phương, nhất là các xã NTM trên địa bàn TP.HCM hay những tỉnh lân cận.
Ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất NNCNC ở TP.HCM
Ông Phạm Đình Dũng, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC TP.HCM cho biết: Chúng tôi đang thực hiện chuyển giao quy trình canh tác và cây giống sạch bệnh gồm lan, ớt, dưa leo, rau ăn lá và rau ăn quả…cho người dân hay các trang trại ở vùng ven ngoại thành TP. Công tác tập huấn cũng được chuyển giao thường xuyên cho các Hội nông dân không chỉ ở TP.HCM mà cả tỉnh như Lâm Đồng, Bạc Liêu… để tuyên truyền, giới thiệu, khuếch tán NNCNC. Đặc biệt là về các lĩnh vực trồng lan, nuôi cấy mô, nhân giống đạt hiệu quả cao nhất. Trung tâm còn liên kết với các DN bao tiêu thu mua lại các sản phẩm cho nông dân để xuất khẩu, mục tiêu cũng nhằm thúc đẩy chương trình nông thôn mới cho các địa phương.
+ Bà Lê Thị Hồng Hoanh cho biết: Cũng như nhiều tỉnh thành khác, khó khăn nhất trong phát triển NTM ở TP.HCM cũng là nguồn vốn. Hiện, TP đang chỉ đạo rà soát lại các quỹ đất trên địa bàn, nếu những diện tích đất nào không còn quy hoạch sử dụng cho các mục đích xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa… thì có thể cho bán đấu giá để tạo một khoản tiền đầu tư cơ sở hạ tầng. + Từ kết quả thí điểm mô hình xây dựng NTM ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), TP HCM đã xây dựng thêm 5 xã điểm NTM nữa là: Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) và xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ). Từ 6 xã NTM này, TP.HCM sẽ nhân rộng việc xây dựng NTM trên địa bàn 52 xã còn lại, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí vào năm 2015, cả 58 xã đều đạt tiêu chí NTM. |
Ông Trần Phước Dũng, Trưởng BQL Khu NNCNC TP HCM cho biết: “Thành phố xác định chức năng đầu tiêu của khu NNCNC là hỗ trợ. Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua công nghệ, huấn luyện đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, xây dựng mô hình trình diễn, cung cấp giống có chọn lọc, khảo nghiệm thích hợp điều kiện tự nhiên. Chức năng thứ hai là dẫn dắt, quảng bá cách làm NNCNC. Để làm được việc này khu phải kêu gọi được các nhà đầu tư thứ cấp, có vốn, có công nghệ đáp ứng tiêu chí vào đây để sản xuất, kinh doanh. Xuất phát từ lợi ích của mình, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản xuất NNCNC ra bên ngoài. Đồng thời tổ chức khoá huấn luyện đào tạo, chuyển giao nhân lực, chuyển giao giống ra bên ngoài để thúc đẩy sản xuất hàng hoá lớn. Việc chuyển giao, hỗ trợ, dẫn dắt mô hình sản xuất NNCNC dần dần sẽ tạo ra nhận thức sản xuất, tạo ra nhiều DN ứng dụng CNC. Do vậy, việc ứng dụng NNCNC để giải quyết bài toán kinh tế, đời sống vùng nông thôn đã và đang giúp người nông dân TPHCM nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, góp phần xây dựng NTM.
Trao đổi với NNVN, bà Lê Hồng Hoanh, Phó GĐ Sở NNPTNT TP.HCM, Ủy viên BCĐ NTM TP.HCM, cho biết: “Để thực hiện chủ trương về chuyển dịch kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, TP sẽ khuyến khích các cây trồng vật nuôi phù hợp với xu hướng đô thị hóa. TP đang có chủ trương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chuồng trại đào ao nuôi cá; khuyến khích các DN ký hợp đồng đầu tư xây dựng nhà kho, sơ chế và bảo quản sản phẩm hoặc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ 100% lãi suất cho sản xuất giống”.
Theo bà Hoanh, đất nông nghiệp của TP HCM đang bị thu hẹp nhưng tỉ lệ hộ dân gắn với nông nghiệp vẫn còn nhiều với gần 330.000 hộ, khoảng trên 1,2 triệu người ở vùng ngoại thành. Do vậy, TP đặt ra yêu cầu bằng mọi giá phải nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển NNCNC. Ngoài ra, tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, tìm ra những cây – con tạo giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích.
Theo www.nongnghiep.vn
Rất hay ! nếu không dám nghĩ dám làm thì không thể thành công,
anh/chị cũng lên nghiên cứu về cây Gỗ Sưa Đỏ, chúng ta có thể tân dụng lối di, khoảng cách giữa các lô cây trồng.. và xung quanh những trang trại, đây là loài cây cho chúng ta sản phẩm có giá trị như VÀNG…
Phan Thanh